1. Bổ sung thành phần hồ sơ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp từ 01/9/2020.
Ngày 09/7/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2020.
Liên quan thành phần hồ sơ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp, bổ sung thêm “hợp đồng mua trái phiếu, trong đó bao gồm cam kết của nhà đầu tư về việc đã tiếp cận đầy đủ nội dung công bố thông tin trước khi phát hành và hiểu rõ các rủi ro khi mua trái phiếu” so với quy định tại Nghị định 163/2018/NĐ-CP.
Tối thiểu 03 ngày làm việc trước ngày dự kiến tổ chức đợt phát hành trái phiếu, doanh nghiệp phát hành thực hiện công bố thông tin trước đợt phát hành cho nhà đầu tư và gửi nội dung công bố cho Sở Giao dịch chứng khoán.
2. Chế độ công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành trái phiếu
Ngày 14/8/2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 77/2020/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung của Nghị định 81/2020/NĐ-CP ngày 09/7/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163/2018/NĐ-CP ngày 04/12/2018 của Chính phủ quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Theo đó, chế độ công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành trái phiếu bao gồm:
- Công bố thông tin trước đợt phát hành trái phiếu (Điều 3 Thông tư này);
- Công bố thông tin về kết quả phát hành trái phiếu (Điều 4 Thông tư này);
- Công bố thông tin định kỳ (Điều 5 Thông tư này);
- Công bố thông tin bất thường và công bố thông tin về trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm theo chứng quyền, mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu (Điều 6 Thông tư này).
Thông tư 77/2020/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 28/9/2020. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu trước ngày 28/9/2020 thực hiện chế độ công bố thông tin định kỳ, công bố thông tin bất thường và công bố thông tin về trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm theo chứng quyền, mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu (nếu có) theo quy định tại Điều 5, Điều 6 của Thông tư này.
3. Sửa đổi, bổ sung quy định về mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức
Ngày 15/7/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2020 và thay thế Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã và Nghị định số 67/2015/NĐ-CP ngày 14/5/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ. Theo đó:
- Mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân trong các lĩnh vực: hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình là 30.000.000 đồng.
- Mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân trong các lĩnh vực: thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã là 40.000.000 đồng.
- Mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp là 50.000.000 đồng.
Trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm hành chính như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
4. Quy định mới về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Ngày 28/7/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 88/2020/NĐ-CP về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 15/9/2020. Theo đó:
a) Hỗ trợ 100% chi phí chữa bệnh cho người lao động phát hiện bị bệnh nghề nghiệp khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp (Điều 5 Nghị định 88/2020/NĐ-CP).
So với Nghị định 37/2016/NĐ-CP, Nghị định mới đã nâng mức hỗ trợ chi phí chữa bệnh nghề nghiệp lên 100% thay vì 50% như trước đây. Mặt khác, bổ sung thêm đối tượng được hưởng là “thân nhân người lao động bị bệnh nghề nghiệp” thay vì chỉ giới hạn là người lao động bị bệnh nghề nghiệp như trước đây.
b) Cắt giảm Điều kiện hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp cho người lao động (Điều 21 Nghị định 88/2020/NĐ-CP).
Người lao động được hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 56 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 khi có đủ các điều kiện sau:
(1) Đã được chẩn đoán bị bệnh nghề nghiệp tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp;
(2) Đã tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đủ 12 tháng trở lên và đang tham gia tính đến tháng liền kề trước tháng đề nghị hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp;
(3) Có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong thời gian làm các nghề, công việc gây bệnh nghề nghiệp quy định tại khoản 1 Điều này.
c) Bổ sung quy định về ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật (Điều 9 Nghị định 88/2020/NĐ-CP).
Theo Điều 54 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp, trong thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi, người lao động được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 5 đến 10 ngày cho một lần bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Tại Điều 9 Nghị định 88/2020/NĐ-CP quy định số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, nghỉ hằng tuần theo quy định của pháp luật về lao động. Trường hợp người lao động không nghỉ việc thì không được hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật.