Theo Luật Đầu tư năm 2020 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021), kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã bị loại khỏi Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Các giao dịch cung cấp dịch vụ đòi nợ và các bên tham gia giao dịch buộc thực hiện các hoạt động để thanh lý giao dịch đòi nợ theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật có liên quan kể từ ngày Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực thi hành.
Luật tiếp tục cắt giảm 22 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhằm góp phần xóa bỏ rào cản trong hoạt động kinh doanh; đồng thời, sửa đổi, bổ sung các ngành, nghề ưu đãi đầu tư (như hoạt động đổi mới sáng tạo; sản xuất hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành) nhằm bảo đảm thu hút đầu tư FDI có chọn lọc, chất lượng theo Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong việc thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, các Luật thuế và các Luật liên quan.
Bổ sung quy định về giám định vốn đầu tư trong trường hợp cần thiết để xác định căn cứ tính thuế nhằm hạn chế tình trạng chuyển giá, trốn thuế.
Bổ sung quy định về chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư trong trường hợp:
(1) Nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư trên cơ sở giao dịch giả tạo về vốn;
(2) Dự án đầu tư thuộc trường hợp bị thu hồi đất do không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai;
(3) Nhà đầu tư không ký quỹ hoặc không có bảo lãnh nghĩa vụ ký quỹ theo quy định của pháp luật đối với dự án đầu tư thuộc diện bảo đảm thực hiện dự án đầu tư./.