Nếu có người chuyển tiền nhầm vào tài khoản có được sử dụng hay giữ số tiền này?
Tại bài viết này, Luật Việt Global sẽ giải đáp thắc mắc trên của Quý độc giả.
Tại khoản 1 Điều 579 Bộ luật Dân sự năm 2015 về nghĩa vụ hoàn trả quy định:
“Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại Điều 236 của Bộ luật này”.
Căn cứ quy định trên, khi nhận được tiền do người khác chuyển nhầm thì người nhận có nghĩa vụ hoàn trả số tiền đó cho người gửi.
Trong trường hợp, người nhận nhầm không hoàn trả số tiền đó cho người gửi mà sử dụng, chiếm giữ trái phép thì tùy tính chất, mức độ sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể:
Về xử lý vi phạm hành chính:
Tại điểm d khoản 1 và điểm e khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác quy định:
“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
- d) Sử dụng trái phép tài sản của người khác.
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
- e) Chiếm giữ trái phép tài sản của người khác”.
Căn cứ quy định trên,
– Khi sử dụng trái phép tài sản của người khác sẽ bị xử phạt từ 1.000.000 (Một triệu) đồng đến 2.000.000 (Hai triệu) đồng;
– Chiếm giữ trái phép tài sản của người khác sẽ bị xử phạt từ 2.000.000 (Hai triệu) đồng đến 5.000.000 (Năm triệu) đồng.
Về truy cứu trách nhiệm hình sự:
Tại khoản 1 Điều 176 Bộ luật Hình sư năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội chiếm giữ trái phép tài sản quy đinh:
“1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”.
Tại khoản 1 Điều 177 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội sử dụng trái phép tài sản quy định:
“1. Người nào vì vụ lợi mà sử dụng trái phép tài sản của người khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 219 và Điều 220 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”.
Căn cứ quy định trên,
– Người nào chiếm giữ trái phép tài sản có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
– Người nào sử dụng trái phép tài sản có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.