Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ ban hành về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai thay thế Nghị định 102/2014/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 05/01/2020 với nhiều điểm mới, quy định mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai cao hơn nhiều lần so với Nghị định 102/2014/NĐ-CP trong đó có hành vi lấn, chiếm đất phi nông nghiệp. Hãy cùng TP LAW tìm hiểu chi tiết qua bài viết này.
Tại khoản 1 và khoản 2 Điều 3 Nghị định 91/2019/NĐ-CP định nghĩa về hành vi lấn đất, chiếm đất như sau:
“Điều 3. Giải thích từ ngữ
- Lấn đất là việc người sử dụng đất chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất sử dụng mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép hoặc không được người sử dụng hợp pháp diện tích đất bị lấn đó cho phép.
- Chiếm đất là việc sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- a) Tự ý sử dụng đất mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép;
- b) Tự ý sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác mà không được tổ chức, cá nhân đó cho phép;
- c) Sử dụng đất được Nhà nước giao, cho thuê đất đã hết thời hạn sử dụng mà không được Nhà nước gia hạn sử dụng (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp sử dụng đất nông nghiệp);
- d) Sử dụng đất trên thực địa mà chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật.
…”.
Trong trường hợp cá nhân, tổ chức có hành vi lấn đất, chiếm đất phi nông nghiệp (Nhóm đất phi nông nghiệp được quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật Đất đai 2013) như trên, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền lên đến 500 triệu đồng đối với cá nhân, 1 tỷ đồng đối với tổ chức theo quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 14 của Nghị định 91/2019/NĐ-CP, cụ thể như sau:
“Điều 14. Lấn, chiếm đất (*)
…
- Trường hợp lấn, chiếm đất phi nông nghiệp, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều này tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:
- a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm dưới 0,05 héc ta;
- b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;
- c) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;
- d) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
đ) Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm từ 01 héc ta trở lên.
- Trường hợp lấn, chiếm đất chưa sử dụng, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp (trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều này) tại khu vực đô thị thì mức xử phạt bằng 02 lần mức xử phạt đối với loại đất tương ứng quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này và mức phạt tối đa không quá 500.000.000 đồng đối với cá nhân, không quá 1.000.000.000 đồng đối với tổ chức.
…”.
(*) Lưu ý:
– Các mức phạt tiền nêu trên áp dụng cho cá nhân vi phạm, đối với tổ chức thì mức phạt bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng một hành vi vi phạm;
– Trường hợp hành vi lấn, chiếm đất thuộc các lĩnh vực chuyên ngành thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chuyên ngành đó (quy định tại khoản 6 Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP).
Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm,… (quy định tại khoản 7 Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP).
Không chỉ dừng lại ở việc bị xử lý hành chính, người vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi lấn, chiếm đất nếu thỏa mãn các điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 228 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội “Vi phạm các quy định về sử dụng đất đai”.